Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

Quốc hội bàn chuyện tái cơ cấu kinh tế cùng với hơn 10 triệu tỷ đồng

Theo nghị trình, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 sẽ là một trong hai nội dung quan trọng được Quốc hội bàn thảo hôm nay tại hội trường, bên cạnh việc đánh giá lại tình hình kinh tế - xã hội năm qua. Đây được xem là bản kế hoạch quan trọng, mà việc thực hiện sẽ quyết định diện mạo kinh tế Việt Nam trong nhiều năm sau đó.

Vấn đề đặt ra với công cuộc tái cơ cấu kinh tế những năm tới không nằm ở con số tổng đầu tư toàn xã hội, mà ở việc nguồn lực sẽ được phân bổ như thế nào cho hiệu quả.

Nó cũng được thực hiện sau khi cả nền kinh tế đã tiến hành tái cơ cấu trong vòng 4 năm qua trên 3 trụ cột (tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công và tài chính - ngân hàng) song kết quả thu được còn nhiều hạn chế.

Trong ngày khai mạc kỳ họp (20/10), Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo trước Quốc hội về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 với tổng nguồn lực thực hiện dự kiến khoảng 10,57 triệu tỷ đồng, nằm trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế. Trong đó, mục tiêu bao trùm lên cả kế hoạch là quá trình tái cơ cấu mới, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.
quoc-hoi-ban-chuyen-tai-co-cau-kinh-te-voi-hon-10-trieu-ty-dong
Công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế được thực hiện từ năm 2013 đến nay, song chưa mang lại kết quả như kỳ vọng. Ảnh minh hoạ: Reuters
Nhiều ý kiến đã mổ xẻ con số 10,57 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 500 tỷ USD. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề cần được chú ý không phải ở con số, vốn được cắt nghĩa là tổng đầu tư toàn xã hội, mà là bản đề án đã thể hiện sự thay đổi tư duy gì và việc thực hiện những thay đổi đó sẽ được tiến hành ra sao.
Những lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở bởi sau 4 năm thực hiện tái cơ cấu kinh tế vừa qua, kết quả đạt được vẫn khác xa với những kỳ vọng ban đầu về việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
5 nội dung trọng tâm của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế
giai đoạn 2016-2020
1. Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài.
2. Tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách Nhà nước và khu vực dịch vụ sự nghiệp công.
3. Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán.
4. Hiện đại hóa công tác quy hoạch,cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
5. Tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.
Phát biểu gần đây tại hội thảo chuyên đề về vấn đề này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – Tiến sĩ Trần Đình Thiên đánh giá kinh tế thời gian qua tiếp tục “mở” theo chiều rộng thay vì mục tiêu chiều sâu, trong khi cả 3 trụ cột tái cơ cấu đều chuyển biến chậm chạp, trì trệ.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung thì cho rằng, cách tiếp cận theo bề rộng dựa vào gia tăng khối lượng, số lượng đầu vào, khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ đã không thể tiếp tục do nguồn lực đã huy động tới hạn. “Trong thời gian dài, Nhà nước đã đặt trọng tâm là luôn huy động, chứ không phải phân bổ nguồn lực hiệu quả. Cách thức tăng trưởng như thế chắc chắn tạo rủi ro bất ổn kinh tế và bỏ qua các cải cách thị trường”, ông Cung cảnh báo.
Trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế lần này, cơ quan soạn thảo đã chỉ rõ 3 mục tiêu và 5 quan điểm của kế hoạch, để từ đó đưa ra 5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm, với 10 nhiệm vụ tái cơ cấu ưu tiên. Các nhiệm vụ này được lựa chọn dựa trên tác động đến tổng thể tái cơ cấu kinh tế, tính khả thi, sự phụ thuộc vào Ngân sách nhà nước và phù hợp cam kết, yêu cầu trong quá trình hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, không phải nội dung trọng tâm nào cũng có nhiệm vụ ưu tiên đi kèm. Bên cạnh đó, chính những nhiệm vụ tái cơ cấu trọng điểm đã đề ra phần nào đã thể hiện tinh thần, định hướng cho mô hình tăng trưởng mới của Chính phủ.
Như với nội dung trọng tâm đầu tiên của kế hoạch là về phát triển mạnh kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài, thì nhiệm vụ ưu tiên mới chỉ hướng tới việc cải thiện điều kiện chung là môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân ở cả cấp Trung ương và địa phương... trong khi vị trí, vai trò của khu vực này vẫn chưa thực sự được xác định rõ ràng.
Bên cạnh một số nhiệm vụ ưu tiên của các nội dung trọng tâm tiếp tục được thực hiện như hoàn thiện thể chế đầu tư công, kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước hay tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp theo hướng tự chủ, trách nhiệm và cạnh tranh thị trường, thì kế hoạch lần này đặt khá nhiều kỳ vọng vào tái cơ cấu thị trường tài chính. Ngoài câu chuyện nợ xấu của hệ thống ngân hàng, việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại các tổ chức tín dụng đã trở thành một nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó là việc phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu và bảo hiểm với mục tiêu cải thiện chất lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động.
quoc-hoi-ban-chuyen-tai-co-cau-kinh-te-voi-hon-10-trieu-ty-dong-1
Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế kỳ vọng sẽ được Quốc hội mổ xẻ, làm rõ trong phiên thảo luận hôm nay. Ảnh: Giang Huy
Nhiệm vụ ưu tiên khác là vấn đề bãi bỏ hoặc nới lỏng các quy định đang cản trở tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, tiến tới hoàn thiện khung pháp luật thúc đẩy thị trường đất đai hoạt động hiệu quả, nằm trong mục tiêu số 5 là tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, trong đó bao gồm thị trường quyền sử dụng đất.
Câu chuyện về tích tụ đất nông nghiệp từng được mang ra bàn thảo thời gian trước, nhiều ý kiến của chuyên gia xung quanh câu chuyện này đưa ra vấn đề có nên áp dụng theo mô hình của Nhật Bản xây dựng ngân hàng đất nông nghiệp. Lý do được đưa ra là bởi nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay với công nghệ hiện đại muốn tham gia vào lĩnh vực này nhưng không có đủ diện tích đất nông nghiệp để xây dựng các mô hình mẫu lớn, trong khi năng suất lao động của người nông dân không cao gây lãng phí tài nguyên.
Nói về câu chuyện tái cơ cấu, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, Nhà nước phải đối diện với nguyên tắc cơ bản là nguồn lực luôn khan hiếm, nên phải sử dụng vào nơi tốt nhất, hiệu quả nhất, chứ không phải đầu tư theo kiểu xin – cho lâu nay. “Đề án tái cơ cấu kinh tế nằm ở vấn đề cải cách kinh tế và đặc biệt là thiết lập thể chế kinh tế thị trường. Cách tiếp cận chính của đề án tái cơ cấu kinh tế là làm cho nguồn lực hiệu quả hơn, chứ không phải bỏ thêm nhiều vốn để thúc đẩy tăng trưởng”, ông Cung nhấn mạnh.
Dự kiến Ngân sách Nhà nước của các bộ, ngành và địa phương sẽ chiếm tỷ lệ lớn trong tổng nguồn lực thực hiện kế hoạch tái cơ cấu, khoảng 3,57 triệu tỷ đồng, gần 180 tỷ USD. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài dự kiến đóng góp khoảng 1,4 triệu tỷ đồng, tương đương 68 tỷ USD.
Chính phủ cũng tính đến huy động thêm nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, dự kiến đạt 39,5 tỷ USD trong 5 năm tới. Ngoài ra, một số nguồn vốn khác cũng được huy động như thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn sẽ thu về khoảng 15-20 tỷ USD… Tuy ngân sách chiếm 1/3 nguồn lực, nhưng quan điểm của Chính phủ là hạn chế tối đa việc huy động từ ngân sách Nhà nước để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
Chỉ tiêuKết quả đạt được giai đoạn 2011-2015
(bình quân năm)
Mục tiêu giai đoạn
2016-2020

(bình quân năm)
Tăng trưởng kinh tế5,9%
Kịch bản 1: 7,01%
Kịch bản 2: 6,86%
Kịch bản 3: 6,55%
Tốc độ tăng Năng suất lao động3,8%5,5-6%
Đóng góp của chỉ số Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong GDP28,94%30-35%
Lạm phát18,13% năm 2011 giảm còn 2% năm 2015Dưới 4% những năm đầu và dưới 3% vào năm 2020
Nợ công61,3% GDP
(cuối năm 2015)
Không quá 65% GDP
Tổng đầu tư xã hội31,2% GDP32-34% GDP
Thâm hụt ngân sách5% GDPDưới 4% GDP năm 2020 và dưới 3% giai đoạn tiếp theo
Chi ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển 24-25% dự toán
Nợ xấu17,43% tháng 9/2012 giảm còn 2,9% tháng 9/2015Dưới 3%
Số ngân hàng áp dụng Basel II10
(thí điểm cuối 2014)
12–15
Vốn hóa thị trường cổ phiếu33% GDP 
(cuối năm 2015)
70% GDP
Vốn hóa dư nợ thị trường trái phiếu23% GDP
(cuối năm 2015)
30% GDP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét