Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

Công nghệ cao 'đỏ mắt' để tìm lao động nghề

Gợi ý giải pháp cho SHTP, ông Peter Wunsch – Chuyên gia phụ trách về đào tạo lao động của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho rằng, các doanh nghiệp đang "khát" lao động nghề nên hợp tác chặt chẽ với các đơn vị đào tạo để tự chủ động nguồn cung và nắm chắc được chất lượng tuyển dụng cho mình. 

Dù sản xuất ra những sản phẩm hàm lượng kỹ thuật lớn nhưng Khu công nghệ cao TP HCM lại đang rất thiếu lao động có trình độ nghề trở lên vào làm việc.

Rao tuyển hơn 1.000 chỗ làm mới trong một ngày hội tuyển dụng vừa được tổ chức tại Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP), 23 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp ngay tại khu chỉ phỏng vấn được 700 ứng viên đạt yêu cầu trong khoảng 2.000 ứng viên đến nộp đơn tìm cơ hội. Theo một số doanh nghiệp, việc tuyển dụng lao động, nhất là lao động trình độ nghề đang ngày một khó khăn.
“Hồi chúng tôi mới vô khu thì người ta xếp hàng vào xin việc không kịp nhận. Còn bây giờ mỗi lần đăng tuyển thì rất khó khăn và phải chờ lâu”, ông Henry Phạm – Giám đốc nhân sự của Công ty Nidec Việt Nam cho hay.
Ông Dương Minh Tâm – Phó trưởng ban quản lý SHTP thừa nhận, toàn khu hiện nay có 32.000 lao động. Trong đó, lao động đã qua đào tạo chỉ chiếm 29%. Lượng lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên càng ít. Với hầu hết là lao động phổ thông, việc đòi hỏi giá trị gia tăng cao ở các sản phẩm của SHTP cũng phần nào khó khăn. “Khu công nghệ cao thì lao động phải từ 35% đến 45% trình độ tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên. Ngay ở Khu công nghệ cao Tân Trúc (Đài Loan), số lao động trình độ từ cao đẳng trở lên là 74%. Bởi khu công nghệ cao thì phải dựa trên nền tảng về tri thức”, ông Tâm chia sẻ.
cong-nghe-cao-do-mat-tim-lao-dong-nghe
Các nhà máy công nghệ cao thường khá thiếu lao động nghề chất lượng. Ảnh:báo Thái Nguyên
Theo mục tiêu của SHTP, đến năm 2020, số lao động qua đào tạo sơ cấp nghề và trung cấp nghề phải đạt 80-90%. Số lao động trình độ từ cao đẳng trở lên phải ít nhất là 35%. Tuy nhiên, theo một số ý kiến, mục tiêu này cũng không hề dễ, nhất là trong bối cảnh lao động nghề đang ngày một thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng.
Theo Tiến sỹ Lê Văn Hiền - Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội các cơ sở đào tạo nghề châu Âu –EVBB, lượng lao động trình độ nghề đang rất cần nhưng nguồn cung dần thu hẹp do sự "bùng nổ" của các trường đại học ở Việt Nam và tâm lý đổ xô đi lấy bằng đại học. Ông cho biết, trong khi lượng học sinh tốt nghiệp phổ thông tại Việt Nam quyết định vào đại học chiếm đến 70% thì tỷ lệ này tại Đức chỉ 40%. 60% còn lại đi học nghề nên thay vì lao động phổ thông, lao động ở Đức hầu hết có tay nghề tốt và doanh nghiệp cũng không phải "đỏ mắt" đi tìm lao động nghề. Ngoài ra, chất lượng đào tạo nghề ở Việt Nam còn hạn chế.
“Doanh nghiệp của chúng ta thì thường xuyên thay đổi nên việc đào tạo nghề cũng không kịp cung cấp các kiến thức mới, đáp ứng nhu cầu. Nguyên nhân hàng đầu là nhà trường hay đào tạo những gì họ có. Trong 5 năm nay họ có kết hợp doanh nghiệp đào tạo nhưng kết hợp cũng chưa sâu”, TS Hiền nhận định.
 “Một trong những điều thấy đơn giản nhưng lại chẳng đơn giản là không những đào tạo lao động tại trường mà còn phải tại doanh nghiệp. Ở Đức, 70% thời gian đào tạo lao động nghề là tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp còn phải trả lương cho những người học việc này với mức lương tối thiểu. Tất nhiên, để làm được điều đó, nước Đức có hệ thống quy định, luật pháp rất chặt chẽ”, ông Peter Wunsch cho biết.
Tuy nhiên, những đề xuất dường như vẫn chưa thỏa mãn. Chị Hồng Nhung – Phụ trách nhân sự một công ty tại SHTP cho biết, vấn đề liên kết đào tạo cũng đã được một số doanh nghiệp nghĩ đến. Tuy nhiên, vẫn nhiều trở ngại.
“Mình tuyển họ vào để tài trợ đào tạo cùng nhà trường. Tuy nhiên, thực tế là có lao động dù đã cam kết làm việc 3 năm sau khi tốt nghiệp nhưng vẫn nghỉ trước thời hạn”, chị Nhung nói.
Một số cán bộ nhân sự và đơn vị đào tạo bật mí, để giữ chân lao động nghề, họ phải "tạm giữ" bằng tốt nghiệp của học viên và chỉ trao bằng sau khi học viên làm việc đủ thời hạn đã cam kết. Tuy nhiên, hầu hết đều thừa nhận, đây chỉ là giải pháp tình thế và không mấy "vui vẻ" khi phải áp dụng.
Về phần mình, SHTP cho biết sẽ tiếp tục tổ chức thêm các lớp đào tạo sơ cấp và trung cấp nghề. Tuy nhiên, điều quan trọng là thị trường lao động nghề nói chung phải cải thiện. Việc duy trì tỷ lệ lao động phổ thông quá lớn sẽ ảnh hưởng đến việc tạo ra sự khác biệt về giá trị sản xuất giữa một khu công nghệ cao và một khu công nghiệp thông thường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét